“Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất” - Đó là lời huấn thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài phát biểu khai mạc Đại hội các chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc năm1952. Được khởi xướng và chính thức phát động vào ngày 11/6/1948 bởi Hồ Chủ tịch trong bối cảnh đất nước ở vào những ngày đầu kháng chiến chống Pháp, phong trào ấy vẫn luôn nhận được sự hưởng ứng xuyên suốt chặng đường hơn 70 năm phát triển của đất nước. 72 năm từ ngày ấy - non sông thu về một mối, nhân dân ta được làm chủ cuộc đời, làm chủ đất nước, song toàn Đảng, toàn quân và toàn dân luôn khắc ghi lời dạy của Bác, tích cực hưởng ứng phong trào thi đua yêu nước trên mọi mặt trận, mọi lĩnh vực, ghi nhận và tôn vinh những điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt, đồng thời lan toả những giá trị tích cực mà họ mang lại đến với cộng đồng.
Trong phạm vi bài viết này, là một nhà giáo với 30 năm gắn bó cùng nghề, tôi xin đề cập đến một điển hình trong lĩnh vực giáo dục - một người lãnh đạo, một người đồng nghiệp, một người chị em mà tôi cho rằng luôn ý thức và trăn trở về trách nhiệm của mình trong sự nghiệp “trăm năm trồng người”, người mà chưa bao giờ thôi tận tuỵ và thầm lặng cống hiến, ấp ôm và gửi gắm những hi vọng vào thế hệ trẻ tương lai của đất nước.
Cô giáo Trần Minh Thuỷ hiện tại đang giữ chức vụ Bí thư Chi bộ - Hiệu trưởng trường THCS Việt Nam - Angieri. Với xuất phát điểm là một giáo viên bộ môn toán, cô luôn tìm ra và biết cách áp dụng những phương pháp khoa học trong công tác quản lí và giảng dạy của mình. Tâm huyết và có trách nhiệm trong công việc, cô giáo Thuỷ luôn biến niềm say mê công việc ấy thành những kế hoạch chi tiết, có tính ứng dụng cao, phù hợp với thực tế. Với cô giáo, sự tận tuỵ phải luôn được biểu hiện ra bằng hành động cụ thể, chứ không thể chỉ “chung chung”. Tiếp nhận vị trí Hiệu trưởng trường THCS Việt Nam - Angieri từ năm học 2017 - 2018, đến nay đã được 3 năm, chưa khi nào người giáo viên này quên sứ mệnh lãnh đạo đơn vị của mình.
Trong trường, công tác chuyên môn giảng dạy - học tập luôn được chú trọng và đẩy mạnh. Các giáo viên trong đơn vị thường xuyên được động viên, khích lệ để không ngừng trau dồi chuyên môn nghiệp vụ. Những tiết dự giờ, góp ý được tổ chức không chỉ định kì mà còn đột xuất và đạt hiệu quả cao. Song song với việc rút kinh nghiệm và khắc phục những tồn tại, giáo viên toàn trường - không phân biệt tuổi tác và bộ môn - luôn được tạo điều kiện tốt nhất để tham dự cuộc thi Giáo viên dạy giỏi các cấp và đã đạt được nhiều thành tích từ cấp cơ sở đến cấp thành phố. Cùng với đó, cô giáo Hiệu trưởng luôn cố gắng sát sao đến các em học sinh, bởi cô tin rằng: một nhà trường muốn phát triển thì phải lấy các em học sinh làm gốc, coi các em là những đối tượng giáo dục chủ yếu và cần được chú trọng. Chính vì vậy, tại trường THCS Việt Nam - Angieri, học sinh được kiểm tra, đánh giá kiến thức định kì, toàn diện, tập trung vào một số môn cụ thể song đều có đủ các môn Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội và Ngôn ngữ. Một số em có khả năng trong các lĩnh vực được nhà trường phát hiện, bồi dưỡng. Và thật tự hào biết bao khi trường học đã thực sự trở thành “cái nôi” nuôi dưỡng những nhân tài, là môi trường để tiềm năng của các em được khai phá và phát triển, còn các thầy cô không chỉ là người dạy bảo mà còn là người bạn, người đồng hành cùng các em trên con đường khám phá tri thức. Có lẽ vì vậy mà học sinh trường THCS Việt Nam - Angieri vẫn luôn duy trì được thành tích học tập tốt với một nền tảng kiến thức vững vàng. Điều này tạo cho các em tâm thế chủ động và tự tin để tham gia thi đấu và giành giải cao trong các kì thi Olympic từ cấp trường cho đến trên đấu trường quốc tế.
Không chỉ việc giảng dạy - học tập được chú trọng, công tác giáo dục đạo đức, xây dựng nếp sống trong nhà trường cũng là mối quan tâm hàng đầu của cô giáo Thuỷ. Trên cơ sở lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”, cô giáo Hiệu trưởng luôn quan tâm và tổ chức thực hiện việc xây dựng nếp sống đẹp, có văn hoá cho các em học sinh lồng ghép trong những tiết học và những sinh hoạt trong trường. Khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” được đặt trang trọng trên cổng trường như là một lời nhắc nhở đến bất kì ai khi đến với trường THCS Việt Nam - Angieri. Trong ngôi trường này, các em học sinh có cơ hội rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cá nhân không chỉ qua những bài học trong sách vở, mà qua chính những người bạn mà các em trân quý và qua cả các thầy cô giáo - những tấm gương mẫu mực, những người nghiêm khắc chỉ bảo nhưng cũng rất mực yêu thương các em. Đạo đức cá nhân làm nên lối sống tập thể. Trường THCS Việt Nam - Angieri, với sự lãnh đạo của cô Hiệu trưởng Trần Minh Thuỷ cùng sự nỗ lực của giáo viên và học sinh, đã và đang tạo nên một khối đoàn kết nội bộ, một tập thể vững mạnh.
Với cái nhìn tiến bộ, hiện đại, cô Thuỷ ngay từ khi mới đảm nhiệm chức vụ đã có định hướng giáo dục học sinh một cách toàn diện, giúp các em trở thành những công dân toàn cầu trong bối cảnh xu thế toàn cầu hoá diễn ra mạnh mẽ. Bên cạnh việc học tập văn hoá, những hoạt động ngoại khoá, những hội thao, buổi giao lưu văn nghệ, những chuyến đi tham quan thực tế thiên nhiên,…đã thực sự trở thành những phong trào nhận được sự hưởng ứng từ phía giáo viên, học sinh và cả cha mẹ các em tham gia. Cô quan niệm, “Học hết sức, chơi hết mình” nên luôn ủng hộ và tích cực tổ chức những hoạt động này với mong muốn tạo ra sân chơi bổ ích, lành mạnh bên cạnh những giờ học căng thẳng.
Trường THCS Việt Nam - Angieri dưới sự lãnh đạo của cô Hiệu trưởng Trần Minh Thuỷ ngày càng đi lên, không chỉ giữ vững vị trí là một trong những trường học đi đầu trong công tác giảng dạy - học tập và hoạt động của quận Thanh Xuân, mà còn đươc công nhận là trường tiên tiến xuất sắc của thành phố Hà Nội, trong đó nổi bật lên một số cá nhân là các thầy cô giáo đạt thành tích cao trong lĩnh vực giảng dạy chuyên môn và các em học sinh với những giải thưởng lớn trong các kì thi Olympic cấp Thành phố và Quốc tế. Bản thân cô giáo Thuỷ cũng là một nhà giáo mẫu mực nhiều năm liền được công nhận là Chiến sĩ thi đua, nhưng trong cuộc sống thường ngày, cô là một người vợ, một người mẹ thành công với một gia đình hạnh phúc cùng hai người con ngoan và giỏi. Phải chăng chính nhờ lòng yêu nghề, tinh thần trách nhiệm của một nhà giáo cùng với năng lực và lối suy nghĩ chủ động, sáng tạo và một nhân cách, một lối sống đẹp đã giúp cô giáo trở thành người phụ nữ “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”.
Cá nhân tôi tin rằng, thi đua ái quốc xuất phát từ những điều bình dị nhất, từ những nghĩa cử giản đơn mà cao đẹp nhất của những con người đời thường nhất. Tôi rất tâm đắc một hình tượng ẩn dụ trong tác phẩm Một người Hà Nội của nhà văn Nguyễn Khải: “…lại một hạt bụi vàng của Hà Nội rơi xuống chìm sâu vào lớp đất cổ. Những hạt bụi vàng lấp lánh đâu đó ở mỗi góc phố Hà Nội hãy mượn gió mà bay lên cho đất kinh kỳ chói sáng những ánh vàng”. Những con người đời thường nhất vừa được nhắc đến theo tôi chính là những hạt bụi vàng như vậy. Lại nói đến phong trào thi đua ái quốc, sau hơn 70 năm được phát động, bên cạnh những sự đổi mới về nội dung, hình thức cùng sự mở rộng về quy mô và chất lượng, phải thừa nhận rằng vẫn còn một số hạn chế trong phong trào thi đua và công tác khen thưởng. Vì thế, tôi tin rằng ý nghĩa thực sự của phong trào là tạo ra một làn gió mới, một làn gió để thổi bùng lên tinh thần thi đua của toàn dân, trong mọi giai tầng, trên mọi mặt trận và lĩnh vực xã hội, đúng với hai tiếng “Phong trào”. Có thế, những hạt bụi vàng mới mượn gió mà bay lên để Tổ quốc ta mãi rực rỡ truyền thống yêu nước muôn đời…