Trong suốt thời gian chiến đấu với dịch bệnh Covid-19, những người làm công tác y tế đã miệt mài, cống hiến lặng thầm, như tấm lá chắn căng mình ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh. Hơn lúc nào hết, “khi Tổ quốc gọi tên mình”, họ lên đường thực hiện nhiệm vụ bằng lòng quả cảm của một “chiến binh” trên tuyến đầu phòng chống dịch. Bác sĩ, Tiến sĩ Phạm Ngọc Trưởng, Khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện 19-8, Bộ Công an, là một hình ảnh tiêu biểu cho những “chiến binh” tuyệt vời ấy.
Bác sĩ, Tiến sĩ Phạm Ngọc Trưởng sinh ra tại Kim Đính – Kim Thành - Hải Dương trong một gia đình giàu truyền thống hiếu học và nề nếp. Bố anh là công nhân, luôn rèn luyện con theo tác phong, kỉ luật để trở thành công dân tốt. Mẹ anh là giáo viên THCS, luôn uốn nắn anh từng lời nói, hành động. Ngay từ nhỏ, anh đã anh ước mơ được khoác lên mình chiếc áo blouse trắng, được điều trị, cứu chữa, chăm sóc sức khỏe cho người bệnh. Anh luôn mong muốn cứu sống bệnh nhân nhất là khi ranh giới giữa sự sống còn chỉ còn trong gang tấc. Bởi vậy, sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, anh đã lựa chọn thi vào Đại học Y Hà Nội. Năm 2009 anh học chuyên ngành chấn thương chỉnh tại Taipei-Đài Loan. Năm 2014 anh theo học lớp đào tạo chứng chỉ chuyên ngành chấn thương chỉnh tại Singapore. Sau nhiều năm kiên trì học tập, rèn luyện, anh đã có trong tay tấm bằng Tiến sĩ. Anh là một người say mê nghề nghiệp, luôn sẵn sàng phục vụ dân trong mọi hoàn cảnh. Bởi vậy anh đã đạt được rất nhiều thành tích trong sự nghiệp và luôn là tấm gương sáng để các thế hệ bác sĩ trẻ noi theo. Hiện nay anh giữ chức vụ là Phó trưởng khoa ngoại Chấn thương chỉnh hình bệnh viện 19-8.
Qua 20 năm công tác, bao lần dịch bệnh đã đi qua với khó khăn, thách thức và những thành công, anh càng nhận ra sứ mệnh của mình. Anh tâm sự “Thành công của một ca phẫu thuật có thể cứu sống một mạng người, nhưng thành công trong một chiến lược phòng chống dịch Covid – 19 thì có thể cứu sống nhiều triệu người”. Đó là tâm niệm và cũng là khát khao của bác sĩ Phạm Ngọc Trưởng nói riêng và của các cán bộ làm công tác y tế nói chung.
Trước những diễn biến dịch bệnh hết sức phức tạp, các ca nhiễm tại TP Hồ Chí Minh và Bình Dương ngày càng tăng, bác sĩ Phạm Ngọc Trưởng được lãnh đạo bệnh viện tin tưởng và giao nhiệm vụ làm Trưởng đoàn y bác sĩ của Bệnh viện 19- 8 vào chi viện cho các tỉnh phía Nam. Người chiến sĩ áo trắng ấy đã không ngại khó khăn, sẵn sàng nhận nhiệm vụ lên đường vào Bình Dương chống dịch. Công việc anh được giao đòi hỏi phải thực hiện nhanh chóng, chuyên nghiệp, chính xác. Anh đã cùng 29 y bác sĩ phụ trách 05 điểm điều trị cho cán bộ công an và bệnh nhân. Khi mới vào Bình Dương, số ca nhiễm ở đây tăng cao hơn ở thành phố Hồ Chí Minh, đặc biệt tình hình tại Nhà tạm giữ công an thành phố Thuận An bùng phát dịch bệnh mạnh, phải chịu sức ép rất lớn khi số ca phạm nhân nhiễm bệnh tăng cao. Từ ngày 11/8 đến nay tổ công tác của anh đã tiếp nhận hơn 1000 bệnh nhân Covid – 19 trong điều kiện hết sức thiếu thốn, khó khăn, môi trường chật hẹp lại thiếu thốn vật tư y tế. Mặc dù là bác sĩ ngoại khoa chưa có kinh nghiệm điều trị dịch Covid 19, việc tiếp cận bệnh nhân, nếu không cẩn trọng sẽ rất nguy hiểm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm. Song với tinh thần trách nhiệm của người lính, trách nhiệm của một bác sĩ trên mặt trận không tiếng súng, anh đã vận dụng những kiến thức y khoa, kêu gọi tài trợ thuốc men, vật tư y tế để hỗ trợ công tác chữa bệnh cứu sống bệnh nhân và chẳng nề hà, ngày đêm thăm khám cho các bệnh nhân vùng dịch. Kết quả đạt được là tất cả các bệnh nhân tại các điểm anh phụ trách khôn ai bị tử vong.
Bác sĩ Tiến sĩ Phạm Ngọc Trưởng cùng các đồng nghiệp làm nhiệm vụ
Trong gần 2 tháng nhận nhiệm vụ phòng chống dịch, bác sĩ Tiến sĩ Phạm Ngọc Trưởng và đồng nghiệp không có khái niệm ngày nghỉ, lúc nào cũng căng mình với công việc. Nhìn anh và các đồng đội khoác trên người bộ bảo hộ trong tiết trời oi bức để hoàn thành nhiệm vụ được giao chúng tôi càng xúc động biết bao. Khi tôi hỏi anh về công việc, anh mỉm cười nói: “Xác định đi chống dịch ở bệnh viện dã chiến đương nhiên là sẽ khó khăn, chuyến đi này có thể sẽ dài, chưa rõ ngày trở về nhưng chúng tôi sẽ phát huy mạnh mẽ tinh thần thi đua của Lực lượng Y tế công an nhân dân với tinh thần “Chiến sĩ công an áo trắng – khẩn trương – tình thương – trách nhiệm – hết mình chung sức đẩy lùi Covid”.
Trong đợt dịch Covid-19 bùng phát tại Bình Dương, anh đã đứng lên kêu gọi sự ủng hộ từ các nguồn về vật tư giúp nhân dân vùng dịch với hơn 4000 chai thuốc xịt họng, khẩu trang, máy đo Oxy, mặt nạ thở,… tổng trị giá khoảng 800 triệu đồng. Con số ấy chưa phải là nhiều, nhưng trong hoàn cảnh cả nước đang oằn mình chống dịch, việc làm của anh thực sự có ý nghĩa, đáng ghi nhận.
Với sự nỗ lực của anh và các y bác sĩ đồng hành, ngày 15/09/2021 -ngày mà anh nhớ nhất trong quãng thời gian làm công tác phòng chống dịch Covid – 19 tại Bình Dương. Đó là ngày Bình Dương được nới lỏng lệnh giãn cách, thành phố Thủ Dầu Một lần đầu được mở cửa trở lại sau quãng thời gian phong tỏa kéo dài vì dịch Covid -19. Anh chia sẻ: “Giây phút đó những người Chiến sĩ, bác sĩ chúng tôi đã vỡ òa cảm xúc vui sướng, ai cũng mừng vì vượt qua giai đoạn khó khăn, bước đầu khống chế được dịch bệnh”.
Tuy rất bận với vô vàn công việc và áp lực cuộc sống nhưng được thừa hưởng cách sống của bố mẹ, anh luôn dành tình cảm quan tâm yêu thương đến các thành viên trong gia đình, quan tâm và dạy dỗ con cái. Anh có một mái ấm hạnh phúc, con gái của anh học rất giỏi, hiện đang là học sinh lớp chuyên Sinh của trường chuyên Khoa học tự nhiên mang trong mình ước mơ cháy bỏng sau này sẽ nối tiếp truyền thống gia đình, tiếp bước con đường nghề y gian truân, vất vả song cũng vô cùng ý nghĩa.
Phần thưởng cho những nỗ lực hết mình của anh và những người làm y tế sẽ được đất nước ghi nhận. Và, trong cuộc chiến chống Covid – 19 chưa có hồi kết còn đầy vất vả, gian truân, họ vẫn tiếp tục cống hiến như những ngọn nến cháy hết mình để thắp sáng cho màn đêm, ngăn dịch không lây lan ra cộng đồng, đem lại bình yên cho nhân dân. Hình ảnh của anh và đồng đội sẽ là những tấm gương sáng để chúng ta noi theo.